Kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2018 sắp diễn ra. Có rất nhiều các bạn trẻ thắc mắc không biết ngành xây dựng sẽ có bao nhiêu trường đào tạo và đào tạo những chuyên ngành nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc.
Hiện cả nước có trên 21 trường ĐH đào tạo các ngành về xây dựng: ĐH Kiến trúc Hà Nội và TPHCM, ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Hàng hải, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội và TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ… và 11 trường ĐH dân lập, mở – bán công.
Các chuyên ngành: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng cầu đường, xây dựng cảng – đường thủy, xây dựng công trình biển – dầu khí… Tuyển sinh theo khối A. Thời gian đào tạo 4 năm rưỡi đến 5 năm.
Chương trình đào tạo ở một số trường tiêu biểu
Tại ĐH Bách khoa TPHCM, năm 2001 ngành xây dựng có điểm chuẩn 19 (cao sau 4 ngành công nghệ thông tin, cơ – điện tử, hóa). Sinh viên được đào tạo theo diện rộng, có chuyên mô vững, có khả năng tiếp cận và vận dụng công nghệ mới. Đến 3 học kỳ cuối phân theo các chuyên ngành hẹp, gồm: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng cầu đường, xây dựng cảng và công trình biển. Tuy nhiên, sinh viên của chuyên ngành này vẫn có nền tảng cơ sở của chuyên ngành khác nên khả năng tìm kiếm việc làm rộng.
Năm 2002, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM mở ngành xây dựng cầu đường. Đây là ngành có liên hệ mật thiết đến các ngành: Công nghệ vật liệu xây dựng, kỹ thuật công trình, kiến trúc… Về chuyên môn, ngành này đào tạo chuyên gia có đủ trình độ lý thuyết cơ bản của một kỹ sư cầu đường. Cụ thể là có khả năng quản lý, tổ chức thi công những công trình cầu đường, có khả năng thiết kế các công trình cầu đường, tham gia nghiên cứu và giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật xây dựng cầu đường.
Tại ĐH Kiến trúc TPHCM, năm 2002 trường mới mở ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị. Đào tạo lý thuyết hiện đại về quy hoạch, thiết kế kỹ thuật đô thị, quản lý phát triển đô thị. Sinh viên được học khối kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn, cơ sở kỹ thuật… Giai đoạn kiến thức chuyên ngành, sinh viên thực hiện các nhóm chuyên đề tự chọn như cấp thoát nước – môi trường, giao thông – san nền, hệ thống điện đô thị và thực hiện đồ án. Tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan có liên quan đến lĩnh vực thiết kế kỹ thuật đô thị.
Tại Trường ĐH Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng, kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp được đào tạo thành nhà quản lý, chuyên gia chỉ huy ở công trường xây dựng từ vừa đến lớn trong các lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp. Có thể đảm đương công việc của một chuyên gia lập dự toán công trình, chuyên gia giám sát kỹ thuật thi công hoặc có thể là đội trưởng thi công.